Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 của Chính phủ và Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Công Thương đều đề cập đến việc “ưu tiên phát triển lĩnh vực linh kiện, phụ tùng phục vụ nhu cầu nội địa hóa, đặc biệt là ngành công nghiệp cơ khí, ô tô”.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung, công nghiệp phụ trợ nói riêng còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, một phần nguyên nhân là do chưa chủ động về công nghệ làm khuôn mẫu.
Hiện tại, các doanh nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được yêu cầu sản xuất khuôn mẫu để chế tạo các sản phẩm cơ khí tiêu dùng và một phần theo đơn đặt hàng của các công ty liên doanh nước ngoài. Với những sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật cao như ô tô, xe máy… vẫn phải nhập bán thành phẩm/khuôn từ nước ngoài để sản xuất. Điều này đã phần nào cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, xe máy trong nước.
Tại trụ sở nhà máy ở Long Biên (Hà Nội), NHH đã có một xưởng khuôn chuyên thiết kế, chế tạo các loại khuôn phục vụ chủ yếu trong lĩnh vực xe máy, điện – điện tử. Nhưng việc NHH mở rộng hợp tác đòi hỏi cần đầu tư thêm xưởng khuôn mới. Dự kiến trong năm 2020, định hướng đầu tư giai đoạn 2 cho VMC, NHH sẽ triển khai chế tạo khuôn Connector – dòng khuôn kết hợp nhiều loại mạch điện tử, có chi tiết, cấu tạo phức tạp.
Đặt mục tiêu chủ động trong thiết kế, giảm chi phí sản xuất, cũng như bảo trì, bảo dưỡng khuôn, NHH đã đầu tư 200 tỷ đồng mua toàn bộ hệ thống máy mới từ các thương hiệu nổi tiếng đến từ Nhật Bản như Yasda, Makino, Fanuc để xây dựng Công ty VMC đặt tại Hải Dương.
“Khi khách đặt hàng thì việc có xưởng khuôn sẽ rất thuận lợi. Nhiều đơn vị khác chỉ đơn thuần là sản xuất nhựa, họ phải thuê bên ngoài chế tạo các bộ khuôn nhựa, thuê đơn vị khác nữa thử khuôn… Điều này mất rất nhiều thời gian. Với bề dày kinh nghiệm, năng lực, được sự hỗ trợ của Tập đoàn An Phát Holdings, NHH sẽ có đủ sức cạnh tranh để phát triển mạnh mảng này”, Tổng giám đốc NHH, ông Bùi Thanh Nam cho biết.
Thời điểm cuối năm tại VMC, hệ thống máy móc Công ty nhập về đang dần hoàn thiện. Nhà xưởng 1 đã đi vào vận hành, nhà xưởng 2, 3 dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2020. Ước tính khi lắp đủ hơn 30 bộ máy mới, VMC sẽ có công suất chế tạo đạt 18-20 bộ khuôn/tháng, doanh thu trung bình ước đạt 18,5 tỷ đồng/tháng.
Ông Phạm Biên Cương – Giám đốc VMC cho biết: “Hiện tại VMC nhận được sự quan tâm từ các đối tác lớn và chúng tôi cũng bắt đầu sản xuất khuôn cho Brother. Năm 2020, Công ty kỳ vọng sẽ được khách hàng đánh giá và định vị là một trong các công ty có khả năng làm khuôn chất lượng cao và đạt độ chính xác theo yêu cầu”.
VMC có sự đầu tư lớn về trang thiết bị, được kế thừa và hỗ trợ chuyên sâu về kỹ thuật từ công ty mẹ NHH, nằm trong chuỗi hoạt động sản xuất khép kín giữa các công ty thành viên trong Tập đoàn An Phát Holdings. Đây là thế mạnh để VMC hiện thực hóa mục tiêu sắp tới, đồng thời góp sức đưa Nhựa Hà Nội trở thành Tổng công ty nhựa kỹ thuật cao lớn nhất miền Bắc.
VMC thành lập tháng 4/2019, là thành viên của NHH. Nhà máy đặt tại KCN Kỹ thuật cao An Phát, thành phố Hải Dương, hoạt động ngành nghề chính là thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, thiết bị chuyên dùng phục vụ công nghệ sản xuất các sản phẩm nhựa và cung cấp cho các ngành công nghiệp khác.
Theo Vneconomy